Trong kỳ triễn lãm CES 2016, một thuật ngữ mà giới Audiophile đang rất quan tâm là MQA. Xuyên suốt sự kiện, rất nhiều hãng âm thanh hi-end như Aurender, Auralic, Mark Levinson... và các dịch vụ nghe nhạc trực tuyến như Tidal đều hỗ trợ MQA. Vậy nó là gì?
MQA là gì?
MQA là cách thức truyền tải dữ liệu âm thanh mới đến người dùng thông qua phương pháp phát (stream) hay tải về (download). Với tiêu chí âm thanh “Hi-Res” hiện nay, khả năng truyền tải cũng như mức dữ liệu truyền tải của các thiết bị cầm tay (chủ yếu là điện thoại đi động) đang là một vấn đề rất được lưu tâm. MQA có tiềm năng trở thành một định dạng phát nhạc tiêu biểu với khả năng stream rất đáng chú ý.
Định dạng MQA có khả năng nén chuẩn lossless 24-bit 192kHz PCM thành mức dung lượng lưu trữ tương đương với 16-bit 44.1KHz. Đây là chất lượng CD, có mức truyền tải từ 1-1.5mbps cho mỗi channel, cực kỳ tiện lợi và dễ dàng cho kết nối 3G hay 4G.
Chú thích: PCM (viết tắt của 'pulse-code modulation') là một tiêu chuẩn thông dụng để lưu trữ âm thanh kỹ thuật số chính xác và đầy đủ nhất. Ví dụ: các track âm thanh trên DVD hay Blu-ray đều có tiêu chuẩn PCM.
Nguồn gốc MQA
MQA là viết tắt của cụm từ Master Quality Authenticated, được công bố bởi Meridian Audio, một công ty của Anh Quốc. Công ty Meridian Audio chuyên sản xuất các thiết bị DAC, amp, loa và các sản phẩm công nghệ và phần mềm khác (như MQA chẳng hạn). MQA được công bố vào năm 2014 và là một công nghệ được phát triển trong hơn 5 năm trở lại đây.
Tiếp cận đến MQA
Meridian Audio đã có những hợp tác với 7Digital để mang lại khả năng tiếp cận với âm thanh Hi-Res cho đại chúng. Ngoài ra các dịch vụ stream nhạc khác cũng có khả năng hỗ trợ MQA bao gồm Tidal, Pure, HMV Digital và Technics Tracks. Dịch vụ stream nhạc Tidal nổi bật với cha đẻ Jay Z, cùng sự đỡ đầu của các “sao” lớn như Kanye West, Arcade Fire hay Madonna…
Tuy nhiên không phải các dịch vụ này sẽ chỉ stream MQA mà thôi, các định dạng cao cấp thông dụng vẫn sẽ là chủ đạo. Với các bài nhạc chất lượng cao, FLAC hay ALAC vẫn là các định dạng rất tốt và tương đương với chất lượng lossless CD nhất.
Chỉ khi chúng ta nghe nhạc 192KHz 24-bit MQA mới thật sự tỏa sáng với những lợi thế của mình. Với một thiết lập hệ thống âm thanh đủ tốt, khả năng stream MQA đang nằm trong tầm tay bạn. Cũng cần nói thêm MQA dù sao cũng không phải là một chuẩn mã hóa âm thanh quá xa lạ, tuy không giống với mã hóa DSD, nó chỉ là một phương pháp mã hóa mới phù hợp với kỹ thuật hiện nay hơn mà thôi.
Theo lý thuyết, các thiết bị DAC và máy chơi nhạc hiện nay đều có khả năng làm việc tương thích tốt với MQA khi cập nhật firmware mới nhất. Đây cũng là lúc các nhà sản xuất tung ra những dòng thiết bị mới “chuyên trị” âm thanh Hi-Res. Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Cơ chế hoạt động của MQA
MQA thật ra không phải là một “chuẩn định dạng” riêng biệt. Nó chính xác hơn chỉ là một phương pháp mã hóa đi kèm ngay trong các định dạng chất lượng cao có sẵn (như FLAC, ALAC hay Apple lossless…). MQA có khả năng nén thông tin thô (raw) PCM trước khi nó được giải mã hoàn chỉnh và truyền tải.
Ví dụ: Quá trình chuyển hóa âm thanh từ analog sang digital là một quá trình lấy mẫu chính xác trong thời gian mỗi giây. Với chất lượng CD 44.1KHz ta có 44100 mẫu trong mỗi giây, từ đó suy ra với các chuẩn âm thanh chất lượng cao số mẫu có thể đạt đến 96000 hay 192000. Với MQA, mỗi mẫu đó có thể được “ghép” vào các mẫu khác quan trọng hơn (ảnh hưởng lớn hơn đến chất lượng bài nhạc) trong cả chuỗi mẫu. Điều này cho phép MQA nén được một tream có chất lượng 192KHz thành dung lượng tương đương với 96KHz, giúp giảm đi độ lớn của tập tin nhạc Hi-Res.
Từ các thông số trên ta có thể tính toán được, với MQA, một bản tải nhạc sẽ chiếm dung lượng khoảng 3Mbps cho một lần nghe, trong khi bản stream sẽ chỉ chiếm khoảng 2Mbps, với các mức lấy mẫu khác nhau. Với các định dạng “True hi-res” 24-bit, dung lượng truyền tải sẽ chiếm khoảng 9Mbps, đây là một khác biệt cực lớn so với việc truyền tải thông tin thô raw PCM qua một băng thông có giới hạn.
Thêm một điểm nổi bật nữa của MQA là cho dù hệ thống của bạn không tương thích với định dạng hi-res, nó vẫn có thể giải mã được phần thông tin 44.1KHz 16-bit trong MQA.
Tổng kết
Qua những gì nói ở trên, MQA có thực sự quan trọng và bạn có cần quan tâm đến nó hay không? Trên khía cạnh kỹ thuật, MQA là một cái gì đó khá lạ và hấp dẫn. Tuy nhiên nếu đặt chung với tiêu chí âm thanh chất lượng cao, nó cần phải được đánh giá đúng mức. Hầu hết các bài giới thiệu và so sánh tổng quát về MQA đều so sánh nó với định dạng MP3 128kbps. So sánh này rõ ràng rất khập khiễng và đã tạo ra không ít các nhận xét sai lệch.
Ta cũng cần phân biệt giữa chất lượng tải về (download) và chất lượng phát (stream). Hầu như đa số các dịch vụ stream nhạc đều cho người dùng lựa chọn các bản stream khác nhau để phù hợp tốt nhất với băng thông của mình. Người nghe nhạc thường có những đánh giá chủ quan của riêng mình, dựa vào giá trị bit depth hay sampling rate (đòi hỏi phải càng cao càng tốt) tuy nhiên nếu đôi tai không nhận ra được những khác biệt trong âm thanh thì các thông số này chẳng có ý nghĩa gì.
Tỉ mỉ và kỹ lưỡng không bao giờ thừa, nhất là đối với việc thiết lập một dàn âm thanh ưng ý.