Chắc anh em đều biết những năm gần đây do nhiệt độ năm nào cũng nóng kỉ lục, nóng kỉ lục và nóng kỉ lục. Một trong những hệ lụy của biến đổi khí hậu này là các rặng san hô trên thế giới đã bị chết rất nhiều. Các nhà khoa học cũng đã nghĩ ra nhiều cách để cố phục hồi hay hạn chế việc này và gần đây họ mới có thêm 1 cách mới, đó là đem loa xuống các rặng san hô đang lụi tàn hoặc đã chết để bật những đoạn ghi âm ở các rặng san hô khỏe mạnh nhằm lôi kéo lượng cá mới đến sống.
Cách thức nghe có vẻ đơn giản là như thế này, họ sẽ ghi âm các âm thanh được phát ra từ các rặng san hô đang khỏe mạnh rồi đem âm thanh đó phát lại tại các rặng san hô đang chết dần hoặc đã chết. Sau khi phát liên tục trong vòng 6 tuần thử nghiệm tại rặng san hô Great Barrier ở Úc kết quả khá là khả quan khi có gấp đôi số cá đã bơi đến các rặng san hô đã chết nếu so với lượng cá thi thoảng ve vẩy tại những rặng này khi chưa phát nhạc.
Theo như lời của giáo sư chuyên ngành đại dương học Stephen D. Simpson của trường đại học Exeter thì lý do hấp dẫn loài cá đi vào khi chúng bơi ngang qua các rặng san hô chính là bởi các âm thanh "ầm ỹ" vang ra từ đó. Có thể đó là những tiếng quẫy nước, tiếng di chuyển của những loài tôm cá hay là tiếng các cây san hô uốn lượn theo từng đợt sóng, và với những con cá mới lớn đó chính là những thứ hấp dẫn chúng đi đến và ở lại những nơi này. Khi các rặng san hô lụi tàn dần thì các âm thanh đó cũng mất dần đi, và thế là những con cá mới lớn khi bơi ngang qua sẽ không còn thấy các rặng san hô đó hấp dẫn nữa.
Chính vì vậy nên nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm tái tạo lại âm thanh của những rặng san hô đang sống tại chỗ rặng san hô đã chết bằng cách đặt 33 mảng san hô đã chết ở cách 1 đoạn vừa phải so với các rặng còn sống, sau đó đặt loa ở chính giữa mảng san hô đã chết để phát ra âm thanh nói trên. Trong khoảng hơn 1 tháng cả nhóm chia những mảng này ra làm 3 phần, 1 phần được bật âm thanh, phần thứ 2 có gắn loa nhưng không phát âm và phần cuối thì để nguyên hiện trạng. Kết quả là ở mảng san hô có âm thanh đã có 1 số lượng lớn cá mới lớn di chuyển đến và ở lại kể cả sau khi phát hiện mảng san hô đó không còn sống, một kết quả rất đáng khích lệ.
Tất nhiên các nhà khoa học cũng biết rằng việc này sẽ không thể làm sống lại những rặng san hô đã chết trắng rồi. Việc sử dụng biện pháp này có thể chỉ có tác dụng ở những rặng đang có dấu hiệu suy tàn mà thôi bởi việc giúp giữ vững số cá và thêm số cá mới vào rặng san hô sẽ giúp môi trường khu vực đó có thêm cơ hội.